Xuất Khẩu Dệt May Cuối Năm 2022 Ở Việt Nam Pdf

Xuất Khẩu Dệt May Cuối Năm 2022 Ở Việt Nam Pdf

Còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2022.

Giá nguyên liệu tăng cao, thiếu lao động

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, dù rất thuận lợi trong nửa đầu năm song dự báo ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát dịch bởi các biến chủng mới của SARS-CoV-2 vẫn đang hiện hữu.

Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… và diễn biến phức tạp của căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay.

Giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%.

Bên cạnh đó, bất lợi về tỉ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

“Điển hình như tình trạng đồng euro mất giá gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu dệt may bởi sẽ làm giá thành hàng hóa cao lên trong bối cảnh người dân đang ‘thắt chặt hầu bao.’ Nhìn chung, sức mua tại thị trường này sẽ giảm đi, khả năng cạnh tranh của hàng dệt may tất cả các nước vào thị trường EU đều sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng dệt may Việt Nam”, ông Giang nói.

Dù vậy, ông Vũ Đức Giang nhận định trong nửa cuối năm, kỳ vọng xuất khẩu dệt may sẽ đạt từ 20-21 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu dệt may cả năm lên 42-43 tỷ USD.

Để có thể đạt được mục tiêu năm 2022, theo Chủ tịch VITAS, doanh nghiệp phải thích ứng nhanh, kết cấu lại thị trường xuất khẩu để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường; thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về sản phẩm may mặc tái chế vào thị trường EU.

“Nhìn chung, để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.

Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra mục tiêu quyết tâm, thậm chí có thể kinh doanh hòa vốn, không hiệu quả như mục tiêu đặt ra từ đầu năm nhưng quan trọng là phải giữ ổn định thị trường, người lao động, khách hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng ‘thắt hầu bao’, kiểm soát mọi chi phí để giảm tối đa chi phí tác động lên doanh nghiệp…”, ông Vũ Đức Giang nói.

Trên cơ sở kết quả khả quan đạt được từ đầu năm, cùng diễn biến tích cực của thị trường, ở kịch bản tăng trưởng cao, xuất khẩu dệt may kỳ vọng đạt mốc 45,7 tỷ USD trong năm 2022.

Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may đạt kết quả khá tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến ngày 15/7/2022 đạt 20,4 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đưa dệt may đứng thứ tư trong các nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước (sau điện thoại và linh kiện; máy tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng).

Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu dệt may so với cùng kỳ năm 2021 đạt 19,7%, cũng đứng thứ tư trong 6 nhóm mặt hàng có mức tăng trên 1 tỷ USD, từ đó đã góp phần quan trọng đưa quy mô tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt lớn nhất từ trước đến nay, tốc độ tăng khá cao (17,3%).

Kết quả khả quan này của ngành dệt may được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Về sản xuất, toàn ngành hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp, với tổng vốn trên 1,1 triệu tỷ đồng; tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn đạt trên 400.000 tỷ đồng; doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt gần 1 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong ngành đang sử dụng gần 200.000 lao động.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 4,5%; chỉ số sản xuất ngành may tăng 23,3%; sản lượng vải tăng 11,4%; quần áo tăng 12,1%; số lao động ngành dệt tăng 6,3%; lao động ngành may tăng 3,2%.

Kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên vật liệu dệt may tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, bông tăng 15,6%; xơ sợi dệt tăng 6,6%; vải các loại tăng 7,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 4,6%.

Về thị trường xuất khẩu, trong nửa đầu năm nay, hàng dệt may Việt Nam có mặt ở 55 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 17 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Đức, Campuchia... Hầu hết các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm trước và là các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Dự báo, nếu trong những tháng còn lại của năm, xuất khẩu dệt may tiếp tục đạt được mức tăng so với cùng kỳ như những tháng đầu năm (19,7%), thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt trên 39 tỷ USD, tăng trên 6,5 tỷ USD so với năm 2021, nếu kể cả các sản phẩm có liên quan (xơ, sợi dệt, vải mành, vải kỹ thuật khác), thì tổng kim ngạch sẽ vượt 45,7 tỷ USD.

Với phương án trung bình, mức xuất khẩu bình quân 1 tháng trong thời gian còn lại của năm đạt bằng mức bình quân từ đầu năm đến giữa tháng 7 (3,66 tỷ USD/tháng), thì cả năm sẽ đạt 43 tỷ USD, tăng 18%.

Để duy trì mức tăng khá so với năm 2021 và đạt được những mục tiêu đã đặt ra, ngành dệt may phải có giải pháp giải quyết những vấn đề cơ bản của ngành.

Ở đầu vào, nguồn nguyên vật liệu để sản xuất hiện còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, ngành dệt may lập tức bị đứt gãy nguồn cung từ nước ngoài, cộng với những khó khăn về lao động ở trong nước, các doanh nghiệp đã phải đối mặt với thách thức lớn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 bị giảm tương đối sâu (giảm 9,2%, tương đương giảm trên 3 tỷ USD). Năm 2021, nhờ tăng nhập khẩu, giảm đứt gãy nguồn cung, nên xuất khẩu đã có dấu dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn thấp hơn so với năm 2019 - trước đại dịch.

Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng khá, nhưng có một phần do giá xuất khẩu tăng. Đáng chú ý là, từ đầu năm đến giữa tháng 7, lượng nhập khẩu nguyên liệu giảm (bông giảm 22,8%, xơ sợi dệt giảm 5,6%), trong khi giá nhập khẩu tăng (giá bông tăng 49,7%, giá xơ sợi dệt tăng 7,3%, giá vải 6 tháng tăng 13,7%). Nhập khẩu nguyên liệu ở một số thị trường bị giảm chứng tỏ vẫn còn tình trạng đứt gãy nguồn cung, cộng với giá cả tăng cao, cho thấy, dệt may đang phải đối mặt với thách thức “kép”.

Về vấn đề xuất xứ hàng hóa theo cam kết từ các FTA, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hết sức thận trọng, tránh để xảy ra vi phạm, gây hậu quả khôn lường…. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may cần giải quyết tốt hơn nữa vấn đề về lao động, hạn chế tình trạng biến động đột ngột, để người lao động yên tâm làm việc.

Ở đầu ra, cần lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, có một số thị trường bị giảm so với cùng kỳ, như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… Hàng dệt may Việt Nam tuy có mặt ở nhiều thị trường, nhưng nhiều thị trường có mức kim ngạch rất nhỏ. Theo đó, doanh nghiệp cần chú ý mở rộng thị trường, tránh “bỏ trứng và một giỏ” dễ gặp rủi ro khi những thị trường truyền thống có biến động.