CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN XIẾC TẠI HÀ NỘI - MỪNG NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6/2023
Một tiết mục xiếc Việt được xây dựng theo phong cách mới nhằm tăng tính nghệ thuật trong biểu diễn. Ảnh: TRANG THU
Tiếp đó, vì có chung ngôn ngữ nghệ thuật nên xiếc có tính quốc tế cao. Thực tế cho thấy, dù bạn là người của quốc gia, dân tộc nào, là người có trình độ học vấn cao hay người lao động phổ thông với mọi lứa tuổi khác nhau, thì khi xem xiếc vẫn hiểu và cảm nhận được cái hay, cái khó, cái đẹp trong từng động tác của diễn viên.
Thực tế cũng cho thấy, tuy có chung ngôn ngữ, song cách tổ chức xây dựng tiết mục và chương trình, cách tổ chức biểu diễn của các đoàn xiếc ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại thể hiện rất khác nhau vì phụ thuộc vào văn hóa đặc thù. Ngày nay, với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật và công nghệ sân khấu như trang phục, âm thanh, ánh sáng... thì kỹ xảo biểu diễn xiếc ngày càng được cải tiến, làm nảy sinh những ý tưởng sáng tạo mới, đưa nghệ thuật xiếc phát triển đa dạng và phong phú, làm giàu kho tàng văn hóa của mỗi nước, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày một cao của công chúng khán giả.
Xiếc Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm và bắt nhịp được với xu thế phát triển của thế giới. Cột mốc đáng nhớ nhất của xiếc Việt là vào năm 1992 khi khánh thành Rạp xiếc Trung ương, sau 8 năm thi công. Từ đây mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của xiếc Việt.
Tham khảo các chuyên gia trong ngành thì nhận thấy, đến nay, xiếc Việt Nam đã có đầy đủ các bộ môn: Nhào lộn, tung hứng, đu trên cao, thăng bằng, ảo thuật, hề, các tiết mục tạp kỹ, xiếc thú... và bước đầu thử nghiệm, dàn dựng một số chương trình xiếc theo chủ đề với phong cách hiện đại nhưng trên chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam.
Cũng theo một số chuyên gia mà tôi từng có thời gian cùng làm việc thì thấy, một trong những sáng tạo của xiếc Việt những năm gần đây là việc dàn dựng các tiết mục theo kịch bản dựa trên những câu chuyện quen thuộc với nhiều người, nhiều lứa tuổi, như: “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Đám cưới chuột”, “Alibaba và những tên cướp”... rất được yêu thích, nhất là thiếu nhi. Những chương trình đậm tính nghệ thuật như: “Làng tôi” và “Sông Trăng”... đã làm rạng danh xiếc Việt trên các sân khấu quốc tế và góp phần vào quảng bá văn hóa, hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Nhiều nghệ sĩ xiếc đã đạt được các danh hiệu danh giá của Nhà nước như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Trên bản đồ nghệ thuật xiếc thế giới, xiếc Việt Nam tỏa sáng ở những sân khấu lớn cùng các nước bạn có nền nghệ thuật xiếc lâu đời bậc nhất như: Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha... Bằng chứng là khi tham dự các festival nghệ thuật xiếc tại các quốc gia phát triển, xiếc Việt Nam luôn có vị thế và chỗ đứng. Điển hình là tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và Thu Thùy (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) biểu diễn đã xuất sắc đoạt giải thưởng cao nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế Circuba tại thủ đô La Habana (Cuba) năm 2017. Gần đây nhất, tiết mục “Đu son” do nghệ sĩ Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy biểu diễn đã được trao giải vàng tại Liên hoan quốc tế “Công chúa xiếc” và tiết mục “Đế kiếm đu dây lụa” do nghệ sĩ trẻ Khánh Huyền biểu diễn được trao giải ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế “Không biên giới”.
Hiện nay, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, xiếc đang bị cạnh tranh gay gắt bởi truyền hình thực tế và các loại hình nghệ thuật biểu diễn cũng như nội dung giải trí được tích hợp trên nền tảng số hoặc là các sản phẩm du lịch. Do đặc điểm cần có không gian biểu diễn riêng, đạo cụ cồng kềnh, nên xiếc khó có thể linh hoạt di chuyển để biểu diễn như các loại hình nghệ thuật khác. Nếu tổ chức linh hoạt thì chương trình xiếc cũng chỉ đạt được yếu tố biểu diễn chứ khó đạt được tiêu chí nghệ thuật.
Hơn nữa, đại bộ phận nhân dân nước ta có tư duy biểu diễn xiếc là phục vụ thiếu nhi nên số người đến xem xiếc bị hạn chế. Một vài cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện thì mời nghệ sĩ xiếc biểu diễn phục vụ các cháu dịp Tết thiếu nhi (1-6). Các chương trình nghệ thuật hoặc văn nghệ chào mừng các sự kiện của tổ chức, cá nhân ở các quy mô lớn nhỏ khác nhau hầu như không có xiếc tham gia. Điều này được xem là một sự phân biệt đối xử khiến xiếc Việt thêm nguy cơ bị lép vế.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho ngành xiếc cũng rất hãn hữu. Ví dụ, so với Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội khó khăn hơn nhiều bởi đây là đơn vị “hai không, ba thiếu” (không có rạp, không có ô tô, thiếu nhân sự biểu diễn, thiếu kinh phí dàn dựng, thiếu cơ chế hỗ trợ).
Biểu diễn xiếc là nghề rất đặc thù. Đó là nghề đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai và chăm chỉ tập luyện. Cũng vì điều này mà nghệ sĩ xiếc thường có tuổi nghề ngắn hơn rất nhiều so với các ngành, nghề khác trong xã hội. Cạnh đó, nghề xiếc dù là khi luyện tập hay biểu diễn đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn. Không ít nghệ sĩ xiếc đã phải rời bỏ đam mê vì tai nạn trong biểu diễn hoặc luyện tập.
Nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản và chi phối đến hiện tượng hơn 20% nghệ sĩ xiếc bỏ việc trong năm đó là thu nhập. Thực tế cho thấy, thu nhập từ diễn xiếc không bảo đảm được nhu cầu cuộc sống đã khiến nhiều nghệ sĩ trẻ không đủ dũng cảm để theo đuổi đam mê. Họ từ bỏ ánh đèn sâu khấu đi tìm việc mới để có thu nhập tốt hơn.
Cũng qua những người bạn và một số chuyên gia trong ngành xiếc, tôi biết được khó khăn cho xiếc Việt còn hiển diện ở khâu tuyển đầu vào. Suốt nhiều năm qua, việc tuyển học viên đào tạo ở Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đều gặp khó khăn vì học viên không vượt qua được thử thách khắc nghiệt để theo đuổi mơ ước. Bên cạnh đó, tình trạng một số công ty giải trí, tổ chức sự kiện tìm mọi cách “chèo kéo” diễn viên xiếc bằng việc trả thù lao hậu hĩnh khiến xiếc Việt gặp không ít khó khăn về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực.
Các chuyên gia nghiên cứu về xiếc nhận định, dù các cơ quan trong ngành xiếc đang tìm mọi cách đổi mới, thích nghi với điều kiện và thị hiếu công chúng; dù việc xây dựng chương trình xiếc đã chú trọng nhiều đến tính nghệ thuật; dù các cơ chế về đào tạo, bồi dưỡng cũng như tiền lương cho nghệ sĩ cũng đã được tính đến nhưng việc áp dụng thì cần có thời gian.
Những điều này khiến những người yêu xiếc, tâm huyết với sự phát triển của xiếc Việt không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Ngày 14-9-2024, tại chương trình kịch - xiếc đặc biệt "Chị Hằng và những người bạn", đại diện Ban Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã trao 20.000.000 đồng cho đại diện Ủy Ban MTTQ phường Nguyễn Du (Hà Nội) để chuyển tới Ủy Ban MTTQ Việt Nam.
Đại diện Ban Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã trao 20.000.000 đồng cho đại diện Ủy ban MTTQ phường Nguyễn Du
Cơn bão số 3 với mức tàn phá nghiêm trọng, lũ quét, sạt lở, lũ lụt khắp nơi đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của rất nhiều người dân các tỉnh, thành phố miền Bắc. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” và sức mạnh của văn hóa để chung tay góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất, hỗ trợ đồng bào để ổn định đời sống, ngày 13-9-2024, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã họp thống nhất chủ trương thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ xây dựng kế hoạch tổ chức 6 chương trình nghệ thuật.
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL và Công đoàn Bộ VHTTDL, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phát động phong trào “Tương thân tương ái - Chia sẻ yêu thương” nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ làm 3 đợt: Đợt 1: Liên đoàn Xiếc Việt Nam trích từ chương trình ủng hộ ngày 14-9-2024 với số tiền là 20.000.000 đồng thông qua Ủy Ban MTTQ phường Nguyễn Du để chuyển tới Ủy Ban MTTQ Việt Nam; Đợt 2: Mỗi cán bộ công nhân viên, người lao động trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam quyên góp ủng hộ 1 ngày lương thông qua Công đoàn Bộ VHTTDL chuyển tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đợt 3: Vào ngày 21-9-2024, thông qua các chương trình biểu diễn, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục quyên góp, ủng hộ và sẽ công khai, minh bạch.
Hình ảnh chú Cuội, thằng Bờm với con trâu quen thuộc mang màu sắc dân gian khiến các bạn nhỏ tuổi háo hức
Nhân vật chị Hằng xuất hiện vô cùng độc đáo qua hình ảnh múa rối bóng
Đây là một chương trình đặc biệt được Tổng Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam viết kịch bản, các nghệ sĩ xiếc chuẩn bị từ rất lâu để dành cho các em nhỏ một chương trình đặc biệt nhân dịp Trung thu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão lũ, chương trình đã bị hoãn nhiều lần, đến hôm nay, chương trình ra mắt các khán giả Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, ông Trần Quang Vinh – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức chương trình kịch xiếc đặc biệt Chị Hằng và những người bạn với mong muốn tạo ra sân chơi cho thiếu nhi, nhi đồng vui cùng các nhân vật cổ tích để các em có thêm những ký ức đáng nhớ về đêm Trung thu huyền ảo, đầy sắc màu. Chương trình vừa hài hước, mang lại tiếng cười cho trẻ thơ nhưng cũng mang nhiều bài học muốn gửi gắm đến các em nhỏ như: cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Đồng thời, thông qua chương trình này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam trích 20 triệu từ chương trình để ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ lụt thông qua Ủy ban MTTQ phường Nguyễn Du để chuyển đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hy vọng làm lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc”.
Sự xuất hiện của thày trò Đường Tăng là điểm nhấn của chương trình
Thông qua hai nhân vật chị Hằng và chú Cuội, các nghệ sĩ dẫn dắt các em nhỏ trải nghiệm, hòa mình vào nội dung của những câu chuyện dân gian qua cách kể của ngôn ngữ nghệ thuật xiếc. Chị Hằng và những người bạn là một chương trình kịch - xiếc tổng hợp gồm múa lân, cùng những thể loại tiết mục xiếc đặc sắc như: xiếc ảo thuật, xiếc thú, xiếc người. Điểm nhấn của chương trình chính là sự xuất hiện của vị khách mời đặc biệt: thày trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng và Long Mã, mang đến những phút giây tràn ngập tiếng cười, đan xen những cảnh gay cấn với những pha nhào lộn trên không, chiến đấu với yêu quái.
Chương trình còn mang đến nhiều màu sắc rực rỡ với màn múa lân, leo cột, nhảy dây, các em nhỏ được hòa mình vào không khí hội làng đón trăng, mang đậm màu sắc dân gian.
Một số tiết mục trong chương trình kịch - xiếc "Chị Hằng và những người bạn"
Chương trình kịch - xiếc Chị Hằng và những người bạn không chỉ là một chương trình ý nghĩa dành cho các em nhỏ nhân dịp Trung thu mà còn thể hiện đạo lý tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc, kêu gọi nhân dân cả nước cùng đồng lòng hướng về hỗ trợ đồng bào và các địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ.